Tin tức
Làm sao để "đòi nợ" trong vui vẻ?
Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024
Làm sao để "đòi nợ" trong vui vẻ?
An, 36 tuổi, cô là nhân viên văn phòng. An được bạn bè, người thân và đồng nghiệp nhận xét là dễ mến, tốt tính. Tết đến, khi mọi người đang tận hưởng không khí ấm cúng, An lại thấy bồn chồn và lo lắng. Cô đang gom góp tiền dành dụm để lo toan chi phí cho bản thân và gia đình. Nghịch lý là số tiền đó được cô cho mượn quá nửa.
Nhiều lần muốn đề nghị bạn bè trả lại số tiền mà họ mượn, nhưng An không thể. Từ việc lo toan các chi phí ăn Tết, An dần bỏ tâm tư cho việc – “đòi tiền”. An bắt đầu với những suy nghĩ, học cách mở lời, lo lắng những điều có thể phát sinh trong việc đòi tiền trong khi Tết cận kề mỗi ngày.
Cuối cùng, cô vẫn đòi được từ bạn bè nhưng vấn đề ở đây là cảm xúc cô có bình an hay không và các mối quan hệ sau đó như thế nào. Các sự kiện tâm lý thường hay bị kích hoạt vào dịp Tết, nhưng không phải ai cũng có khả năng điều tiết.
Để hiểu được vì sao An lại có những chuỗi cảm xúc như vậy, chúng ta cần hiểu gốc rễ tâm lý đằng sau đó. Rất có thể cơ chế tâm lý đang chi phối vấn đề của An liên quan đến niềm tin cốt lõi những vấn đề có thể đã phát sinh trong giai đoạn thời thơ ấu từ 3-6 tuổi của An.
Theo ‘Trị liệu Nhận thức Hành vi’ (CBT), ý nghĩ sẽ dẫn đến cảm xúc, cảm xúc sẽ thôi thúc hành động (hành vi).
Ngày nay, khi công nghệ phát triển, chúng ta được thiết kế sống rất vội vã, dẫn đến việc khó khăn gọi tên cảm xúc khi mình hành xử. Nhìn lại tình huống của An, hành vi của An là chọn “không thể mở lời đòi lại số tiền cho bạn mượn”, cảm xúc của An có thể là “lo lắng, bất an”. Vấn đề đặt ra theo học thuyết CBT là ý nghĩ gì đã dẫn đến cảm xúc và hành vi trên của An.
CBT tin rằng niềm tin cốt lõi là những niềm tin cơ bản, phản ánh cách chúng ta hiểu về mình, cách mình nhìn nhận mối quan hệ và sự kiện xung quanh. Niềm tin cốt lõi có thể ảnh hưởng lớn đến ý nghĩ, cảm xúc và hành vi hàng ngày của người đó. Trong trị liệu Nhận thức Hành vi, thân chủ sẽ được thực hành rất nhiều bài tập để xác định các ‘ý nghĩ tự động’ và ‘niềm tin trung gian trước khi đến với niềm tin cốt lõi’.
Do đó, rất có khả năng An có ý nghĩ tự động như sau:
- Nếu mình đòi tiền thì người ta giận, người ta chửi/ mắng vào mặt mình thì sao?
- Nếu mình đòi tiền thì người ta nghĩ mình tệ, thấy chết mà không cứu?
- Nếu mình đòi tiền thì người ta nghĩ mình nghèo, người ta khi dễ mình?
- Nếu mình đòi tiền thì người ta khó khăn hơn thì sao?
- Nếu mình đòi tiền thì người ta không trả thì sao?
- Nếu mình đòi tiền thì người ta ngại, họ sẽ trả nhưng sau này khó nói chuyện thì sao?
- …
Có rất nhiều ý nghĩ tự động xuất hiện trong suy nghĩ của An, những ý nghĩ này làm trào lên những cảm xúc bồn chồn, lo âu… do đó, An chọn sự do dự, vô thức đặt bản thân vào sự lựa chọn của các ý nghĩ. Vì không đủ dữ kiện về An, chúng ta chưa thể xác định các niềm tin trung gian trên sẽ dẫn đến niềm tin cốt lõi nào nhưng sẽ cho cái nhìn khái quát về những ưu tư của An.
Nếu nhìn trên góc nhìn Học thuyết Tâm lý Phát triển Xã hội của Erik Erikson, trong giai đoạn phát triển từ 3-6 tuổi, trẻ tập trung chủ yếu vào môi trường trong gia đình và cách trẻ nhận thức về bản thân. Trong giai đoạn này, một trong những nhiệm vụ chính là phát triển cảm nhận tích cực về bản thân và hài hòa với xã hội. Vượt qua giai đoạn này, sự tự tin và cảm giác tích cực về bản thân được xây dựng, đặt nền tảng cho sự phát triển về mặt tâm lý sau này.
Một trong những cảm xúc phổ biến trong giai đoạn này là mặc cảm tội lỗi và sợ người khác phiền lòng. Trẻ nhỏ cảm nhận môi trường xã hội xung quanh và thường cảm thấy áp đặt bởi quy tắc và giới hạn do người lớn đặt ra. Sự sợ hãi này thường xuất phát từ nhu cầu muốn được chấp nhận, không muốn bị phê phán hoặc bị từ chối. Trong một số trường hợp, trẻ cảm thấy những hành động của mình có thể làm người khác phiền lòng hoặc không hài lòng, và sẽ phải đối mặt với cảm giác tội lỗi.
Nếu gia đình không tạo ra môi trường an toàn để thể hiện ý kiến hay những thử nghiệm khám phá, trẻ có thể phát triển cảm giác tội lỗi mạnh mẽ và sợ người khác bất kỳ lúc nào trẻ không tuân thủ theo quy tắc. Sự lo lắng này có thể ảnh hưởng đến phát triển sự tự tin của trẻ trong thời gian lớn lên.
Tác động của cơ chế mặc cảm tội lỗi và sợ người khác phiền lòng từ giai đoạn 3-6 tuổi có thể kéo dài đến khi người trẻ trở thành người lớn. Nếu trẻ không học được cách quản lý mặc cảm này một cách tích cực và phát triển niềm tin tích cực về bản thân, rằng “Tôi xứng đáng được yêu thương,” “Tôi thú vị, đáng yêu,” họ có thể tiếp tục mang theo những niềm tin này vào trong mối quan hệ với người khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ xã hội, sự tự tin, và tư duy tích cực về bản thân trong đời người lớn.
Trong trường hợp cụ thể như việc An không dám đòi tiền lại từ những người đã mượn, niềm tin trung gian có thể là "Nếu tôi đòi tiền lại, mọi người sẽ cảm thấy phiền lòng và có thể nghỉ chơi với tôi.”
Nếu như bạn cảm thấy bản thân ở trong câu chuyện này, Việt An hiểu và chia sẻ cùng bạn. Đây là tình huống giả định nhưng qua đó Việt An muốn nói rằng không phải khi một vấn đề tâm lý nặng nề làm ảnh hưởng chức năng sống của bạn thì chúng ta mới vội vã tìm nhà trị liệu. Rất nhiều những vấn đề nho nho đang tích tụ và làm chúng ta bất an mỗi ngày.
Một “tip” nhỏ là bạn hãy viết xuống tất cả những khoảnh khắc mà bạn có cảm xúc mang màu tiêu cực, sau đó viết ra những sự kiện dẫn đến cảm xúc đó. Bạn hãy dành giờ đọc lại và tự ngẫm, ý nghĩ gì có thể xuất hiện trong tâm trí bạn khi có những cảm xúc trên. Ý nghĩ vẫn là ý nghĩ, bạn thử kiểm chứng những ý nghĩ đó thành những hành động thực tế, để nghiệm chứng rằng nếu mình nghĩ vậy thì có đúng là cảm xúc tiêu cực xuất hiện hay không? (Xin lưu ý: nếu bạn có những ý nghĩ làm hại bản thân, làm hại cho người khác, xin hãy gọi đến người bạn tin tưởng nhất hoặc các trung tâm tham vấn bạn tin cậy).
Việc làm trên sẽ cải thiện phần nào cách bạn nhận diện cảm xúc và quản lý tốt hơn.
Nếu bạn đang cảm thấy rất rõ những áp lực tâm lý khi Tết đến gần, hãy tìm một người tin cậy để chia sẻ cảm xúc và tâm trạng của bạn. Bạn cũng có thể gọi đến Đường dây Lắng nghe Yêu thương của Việt An vào thời gian 2:30 - 4:30 chiều thứ Bảy hàng tuần.
Nếu tình trạng tâm lý Nếu tình trạng tâm lý của bạn ngày càng trở nên khó khăn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn có thể suy nghĩ đến các Khoá Huấn luyện Tâm lý có liên quan hay Mô hình trị liệu nhóm kết hợp huấn luyện tâm lý từ Việt An.