Tin tức
Nỗi sợ "bị đánh giá" được ngộ nhận là "tinh thần trách nhiệm"
Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023
Nỗi sợ "bị đánh giá" được ngộ nhận là "tinh thần trách nhiệm"

Có bao giờ chúng mình dành giờ để gợi nhớ những sự kiện “lặp đi lặp lại” trong cuộc sống mà mỗi khi đối diện, ta cảm thấy mất bình an, dao động, lo lắng thậm chí là “stress” vì những điều ấy. Đôi lúc, những chuyện đó chỉ xảy ra với mình và mỗi mình gặp phải?
Có bao giờ bạn để ý rằng, bạn luôn trong trạng thái sợ người khác đánh giá, “khen chê” đến nỗi luôn bồn chồn về mọi mặt trong cuộc sống (lẫn trong công việc). Một thí dụ điển hình về vở kịch kiểm soát của sự ngộ nhận là tinh thần trách nhiệm.
Bạn được giao cho một nhiệm vụ phải hoàn thành cho công ty, bạn thích công việc ấy và chu toàn lên mọi kế hoạch về nguồn lực, tài nguyên cho dự án. Thời gian đầu, bạn có thể háo hức chuẩn bị, dành tâm huyết cho mọi vấn đề của công việc. Bạn theo dõi kế hoạch dự án kỹ càng, bạn lo liệu chu đáo từng hạng mục đặt ra. Càng về sau, bạn lo liệu mọi thứ thậm chí vượt trên khỏi sự “lo liệu” đến mức “lo lắng”. Bạn thấy vui khi được khen là có tinh thần làm việc cao độ!
Bạn nhìn thấy thành viên trong đội nhóm không hoàn thành công việc nên bạn làm luôn cả phần họ. Bạn lo sếp sẽ khó tính nên chuẩn bị đến tận 4 kịch bản giải pháp. Bạn lo đối tác của bạn không hiểu hết thông tin nên bạn thức đêm chuẩn bị tài liệu. Bạn lo có sai sót nên bắt nhân viên kiểm tra hàng chục lần và sẵn sàng “call” cho họ vào cuối tuần hoặc ban đêm.
Cuối cùng, có thể bạn sẽ hoàn thành tốt công việc đấy, nhưng thay vì thưởng thức quá trình hình thành nên thành quả thì bạn tốn rất nhiều tâm lực, năng lượng dẫn đến căng thẳng thường xuyên. Sự căng thẳng này có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ bên cạnh. Bạn được lời khen từ cấp trên nhưng lại nhận sự e dè từ cấp dưới. Bạn nhận ra có gì đó không ổn!
Chúng mình quen gọi nhầm trạng thái lo lắng và lo âu bên trong thành các phẩm chất xinh đẹp của bản thân là "sự lo liệu" và "tinh thần trách nhiệm". Có thể đó là những vở kịch kiểm soát được hình thành từ bé, đã trở thành cơ chế phòng vệ và hằng ngày chúng ta vẫn hiện diện trong vỡ kịch kiểm soát này một cách vô thức. Có chăng, cảm xúc ngầm ẩn bên dưới là nỗi sợ bị người khác đánh giá quá mức dẫn đến sự dấn thân quá nhiều và không kiểm soát các mối quan hệ xung quanh.
Vậy chúng mình sẽ dành giờ nhìn lại nhé, nếu những vở kịch này lặp đi lặp lại khiến chúng ta không bình an. Hãy nhắn tin cho chúng mình nếu bạn cần hỗ trợ nhé!